Đối với những người tiêu dùng Việt, Sunhouse là một thương hiệu quen thuộc.
Khởi nghiệp từ một công ty chuyên phân phối những chiếc chảo chống dính theo công nghệ hiện đại từ Hàn Quốc, giờ đây Sunhouse đã trở thành thương hiệu hàng gia dụng uy tín và khẳng định được vị thế của một doanh nghiệp Việt.
Vậy đâu là bí quyết thành công phía sau đó, hãy cùng MarketingAI phân tích mô hình SWOT và các chiến lược Marketing của Sunhouse nhé!
Tổng quan về Sunhouse
Công ty Cổ phần Tập đoàn SUNHOUSE tiền thân là Công ty TNHH Phú Thắng được thành lập ngày 22/5/2000.
Năm 2004, SUNHOUSE liên doanh với Công ty TNHH SUNHOUSE Hàn Quốc, thành lập Công ty TNHH SUNHOUSE Việt Nam và xây dựng nhà máy liên doanh sản xuất đồ gia dụng, dây chuyền ứng dụng công nghệ Anodized lạnh tiên tiến từ Hàn Quốc tại khu vực ASEAN.
Năm 2010, SUNHOUSE chính thức được lấy tên là Công ty Cổ phần Tập đoàn SUNHOUSE, đầu tư vào nhiều lĩnh vực đa dạng (hàng gia dụng, điện gia dụng, thiết bị nhà bếp, thiết bị điện công nghiệp, máy lọc nước, thiết bị chiếu sáng…).
Sau 20 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn SUNHOUSE đã gia nhập nhóm doanh nghiệp nghìn tỷ với doanh thu tăng trưởng bình đều đặn bình quân 25-30%.
SUNHOUSE hiện sở hữu cụm 8 nhà máy sản xuất trên tổng diện tích 100.000m2 với hơn 2.500 cán bộ công nhân viên.
SUNHOUSE không chỉ là cánh chim đầu đàn của ngành gia dụng Việt Nam mà còn đang vươn tầm quốc tế, khẳng định tên tuổi tại nhiều thị trường khó tính.
Với mạng lưới 60.000 điểm bán, sản xuất kinh doanh hơn 500 nhóm sản phẩm gia dụng thiết yếu, sản phẩm SUNHOUSE đã có mặt tại toàn bộ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng truyền thống…trên 63 tỉnh thành Việt Nam.
Thương hiệu cũng bắt đầu vươn ra các thị trường nước ngoài như Campuchia, Lào, Myanmar, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí ngay cả các thị trường khó tính như Hong Kong, Brazil, Canada hay Mexico…
Được đánh giá là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, SUNHOUSE đặt mục tiêu trở thành thương hiệu toàn cầu với doanh thu trên 10.000 tỷ vào năm 2025, mở rộng thị trường xuất khẩu và khẳng định tên tuổi trên bản đồ gia dụng thế giới.
Phân tích mô hình SWOT của Sunhouse
Phân tích điểm mạnh của Sunhouse
Ưu điểm đầu tiên của Sunhouse chính là có đa dạng, phong phú các dòng sản phẩm đồ gia dụng nhà bếp, đáp ứng được mọi nhu cầu sử dụng của người dùng Việt. Mặc dù các loại nồi chính là dòng sản phẩm “signature” của Sunhouse, tuy nhiên thương hiệu này còn đang kinh doanh các mặt hàng như:
- Đồ gia dụng: Bộ nồi Anod, chảo chống dính, nồi nhôm, nồi áp suất…
- Đồ điện gia dụng: Nồi cơm điện, nồi áp suất điện, nồi chiên không dầu, bếp nướng…
- Điện tử – Điện lạnh: Điều hòa không khí, màng lọc không khí, máy lọc nước gia đình, tủ đông…
- Thiết bị nhà bếp: Máy hút mùi, bếp từ đôi, bếp điện từ hồng ngoại, bếp ga âm, bếp ga dương
- Đồ dùng nhà bếp: Hộp bảo quản thực phẩm, dụng cụ nấu ăn, bộ lau nhà, đồ dùng sinh hoạt…
- Thiết bị công nghiệp: Cáp điện, tủ trung thế, tủ điện hạ thế, thiết bị đóng cắt…
- Cáp điện lực
Điểm mạnh thứ hai nằm ở mạng lưới bán hàng, phân phối sản phẩm rộng khắp, len lỏi đến từng xã, huyện, ngay cả những vùng sâu vùng xa cũng được Sunhouse tiếp cận.
Hiện doanh nghiệp này đang quản lý hơn 60.000 điểm bán tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Nhờ đó, mọi người dân từ thành thị đến nông thôn, mọi thành phần lứa tuổi, thu nhập đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những chiếc nồi Sunhouse.
Một điểm đáng tự hào nữa của Sunhouse chính là việc sở hữu nhiều công nghệ sản xuất thiết bị hiện đại, ứng dụng nhiều tiêu chuẩn chất lượng cao trong từng sản phẩm.
Công nghệ chính là điều đã được công ty đã luôn chú trọng ngay từ những ngày đầu thành lập. Quay lại những năm 2000, khi kỹ thuật thiết kế, sản xuất chảo chống dính tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, Sunhouse đã chủ động hợp tác với một doanh nghiệp Hàn Quốc để tiếp thu những công nghệ tiên tiến.
Sau đó, công ty nhanh chóng tung ra những sản phẩm chảo chống dính chất lượng, an toàn, mẫu mã phong phú, thanh lịch, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Phân tích điểm yếu của Sunhouse
Dù sản phẩm chất lượng và có mẫu mã đẹp, tuy nhiên nhìn chung giá thành của các sản phẩm của Sunhouse vẫn cao hơn so với các hãng gia dụng khác và cả khả năng tài chính của đa số người dùng Việt.
Việc triển khai các chiến lược Marketing của Sunhouse có thể gặp nhiều khó khăn hoặc không thật sự được hiệu quả do phân khúc khách hàng quá lớn, kể cả nhóm khách hàng mục tiêu của hãng cũng rất rộng.
Phân tích cơ hội của Sunhouse
- Thương hiệu Việt ngày càng được chú ý
Trong những năm qua, dễ dàng nhận thấy có những thay đổi đáng kể trong xu hướng lựa chọn hàng Việt của một số bộ phận người tiêu dùng. Đáp ứng nhu cầu đó, các thương hiệu Việt, đặc biệt là những doanh nghiệp start-up Việt cũng ngày một đầu tư hơn vào ý tưởng, chất lượng sản phẩm, máy móc kỹ thuật, giá thành hợp lý và hệ thống phân phối bao phủ rộng.
Do đó, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chắc chắn sẽ là xu thế mới, từng bước tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng. Là một thương hiệu có lịch sử phát triển lâu cũng như đã có độ uy tín nhất định, đây sẽ là một cơ hội cho Sunhouse bứt phá và vươn xa hơn nữa.
Bên cạnh đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng góp phần từng bước thay đổi nhận thức mua sắm của người Việt. Tỷ lệ người tiêu dùng tin tưởng và ưu ái lựa chọn hàng Việt thay cho hàng ngoại ngày càng tăng.
- Tác động từ đại dịch Covid-19
Ảnh hưởng của đại dịch khiến cho nhu cầu mua sắm qua các trang thương mại điện tử tăng cao, cùng với đó là sự thay đổi nhận thức quan tâm đến sức khoẻ, đồ gia dụng và cuộc sống gia đình.
Đây được xem là xu hướng, kênh phân phối mới và nhiều tiềm năng dành cho các thương hiệu, dù là đang kinh doanh mặt hàng gì. Các trang thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee đều là những nơi bán sản phẩm hiệu quả, phù hợp, có số lượng người dùng là các bà mẹ bỉm sữa hay phụ nữ công sở chiếm phần lớn.
Ngoài ra, việc ở nhà lâu cũng như những thói quen, thể trạng sức khoẻ thay đổi sau đại dịch của người dân cũng khiến mọi người quan tâm, đầu tư hơn đối với các đồ gia dụng. Họ có thể có nhu cầu lớn với các thiết bị như máy lọc không khí, máy lọc nước… Đây là những sản phẩm hết sức tiềm năng mà Sunhouse có thể đẩy bán trong thời gian tới.
- Mức sống của người dân ngày càng cao
Theo kết quả sơ bộ của khảo sát mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê thực hiện, chi tiêu bình quân hộ gia đình Việt một người/tháng đã tăng lên gấp đôi, so với thời điểm năm 2010. Theo đó, mức sống của người dân cũng đã tăng lên đáng kể.
Như một điều tất yếu, thu nhập càng tăng thì nhu cầu càng lớn, và nhu cầu về việc mua sắm, thay đổi các thiết bị bếp chất lượng tốt cũng ngày một gia tăng. Với uy tín lâu năm trên thị trường, đây có thể là cơ hội để Sunhouse thực hiện quyết tâm “bình dân hoá” các trang thiết bị nhà bếp, giúp người tiêu dùng có cuộc sống tiện nghi hơn.
Phân tích thách thức của Sunhouse
- Các đối thủ trong và ngoài nước
Dù là thương hiệu đã có uy tín và khẳng định vững chắc trên thị trường nhưng Sunhouse là một thương hiệu Việt. Trong khi đó, tâm lý tiêu dùng của những gia đình có “của ăn của để” tại nước ta vẫn là yêu thích hơn những sản phẩm nhập ngoại, mang mác ngoại quốc, đặc biệt là từ các quốc gia châu Âu hay Nhật Bản.
Có thể kể đến những cái tên đối thủ như Bosch (Đức), Faster (Châu Âu), Tefal (Pháp), Malloca (Tây Ban Nha)…, hoặc các sản phẩm nội địa Nhật nhập khẩu trực tiếp hoặc các thương hiệu trong nước.
Bởi vậy, thách thức không nhỏ được đặt ra cho Sunhouse là làm sao vừa nâng cao được chất lượng và dịch vụ sản phẩm, đồng thời cũng phải có các chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing của Sunhouse được điều chỉnh để phù hợp với thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng.
- Vấn đề đạo nhái sản phẩm
Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một vấn đề gây nhức nhối tại nước ta mà vẫn chưa có những biện pháp thật sự triệt để và hiệu quả để xử lý.
Điều này trở này nỗi lo sợ của những thương hiệu cao cấp, uy tín như Sunhouse. Nhiều sản phẩm của hãng bị làm nhái và gắn mác thương hiệu một cách tinh vi, gây hoang mang và rất khó để một người tiêu dùng thông thường nhận biết nếu chỉ nhìn sơ qua.
Không chỉ làm nhái sản phẩm, ngay cả đến tem chống hàng giả, giấy bảo hàng của Sunhouse cũng đều bị các đối tượng xấu làm giả một cách trắng trợn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới uy tín mà Sunhouse đã nhiều năm gây dựng cũng như đến sức khỏe, lòng tin của người tiêu dùng.
Chiến lược Marketing của Sunhouse
Để có được vị trí của một thương hiệu đồ gia dụng hàng đầu như ngày hôm nay thì ngoài sản phẩm tốt, mẫu mã hợp gu thì chắc hẳn những chiến lược Marketing của Sunhouse cũng là điều được cần được học hỏi.
Trong đó, Marketing AI muốn nhấn mạnh tập trung phân tích vào ba chiến lược sau đây: chiến lược chinh phục thị trường mới, chiến lược đầu tư đẩy bán sản phẩm chủ lực và chiến lược giữ chân khách hàng trung thành.
Chiến lược thâm nhập thị trường mới
Trước khi Sunhouse được thành lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn – Ông Nguyễn Xuân Phú là một người buôn bán với hoạt động đơn giản là nhập khẩu sản phẩm ngoại, bán lại cho người tiêu dùng trong nước để thu lợi nhuận từ sự chênh lệch giá.
Khi mới thâm nhập vào thị trường sản xuất và phân phối thiết bị bếp, Sunhouse bắt đầu với sản phẩm chảo chống dính. Với cách thức “nhập khẩu” công nghệ của Hàn Quốc, Sunhouse đã mạnh dạn tung ra những chiếc chảo chống dính chất lượng cao, an toàn và bền đẹp, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng Việt khi đó.
Một ví dụ khác là những sản phẩm máy lọc nước Sunhouse, đã trở thành một trong những thương hiệu máy lọc nước bán chạy nhất Việt Nam sau 7 năm ra mắt.
Thành công đó là nhờ công ty đã tập trung vào nhu cầu thiết yếu của mọi người là mong muốn có được nguồn nước đầu ra sạch, tinh khiết và tiện lợi để sử dụng. Việc điều chỉnh giá thành tốt hơn mặt bằng chung các hãng khác cũng là một trong những lý do đã giúp Sunhouse chinh phục được khoảng 20% thị phần toàn quốc.
Chiến lược giá phù hợp, tập trung vào quảng cáo về những công năng quan trọng của sản phẩm, điều này đã giúp Sunhouse thành công trong việc chiếm lĩnh mọi thị trường từ thành thị cho tới nông thôn.
Chiến lược ra mắt sản phẩm chủ đạo
Trước đây, các sản phẩm như chảo chống dính, nồi nhôm, hay máy lọc nước là những mặt hàng quen thuộc và được người tiêu dùng tin yêu nhiều nhất từ Sunhouse.
Để mở rộng thị trường sang các dòng sản phẩm khác, năm 2020, Sunhouse đã quyết tâm triển khai một chiến dịch truyền thông bài bản mang tên “Khát vọng chinh phục đỉnh cao – niềm tự hào gia dụng Việt”.
Với lần đầu tư này, Sunhouse đẩy mạnh sản phẩm chủ đạo là nhóm sản phẩm điều hòa không khí, nhằm mục tiêu chiếm lĩnh 10% thị phần ngành hàng này.
Đại diện diện thương hiệu, tuyển thủ Tiến Linh là gương mặt được Sunhouse lựa chọn để truyền tải mạnh mẽ thông điệp “Khát vọng chinh phục” với tuổi trẻ đam mê, nhiệt huyết và nỗ lực hết mình để mang lại niềm vinh quang cho Tổ quốc.
Cầu thủ Tiến Linh, chàng trai của đội tuyển U22 với thân hình vạm vỡ và gương mặt chuẩn soái ca đã được lựa chọn để làm người đồng hành cùng thương hiệu.
MV truyền cảm hứng từ hành trình chinh phục đỉnh cao của chính anh chàng, với tên gọi đầy kiêu hãnh “BƯỚC – Khát vọng chinh phục” với sự tham gia của ca sĩ Dũng Joon và rapper Duy Khôi đã chạm mốc view khủng 200.000 lượt xem chỉ sau vài giờ phát hành.
Chiến lược giữ chân khách hàng trung thành
Một nhược điểm của nhiều doanh nghiệp là thường tập trung vào hình thức kinh doanh B2B, đầu tư vào phân phối, tạo dựng mối quan hệ với các đại lý hơn là B2C, tương tác và bán hàng trực tiếp cho các khách hàng. Đối với Sunhouse, cùng với việc đẩy mạnh hợp tác với các đại lý phân phối, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh xây dựng các chương trình Marketing hướng đến trực tiếp người dùng để giữ chân những khách hàng lâu năm.
Ông Lê Tùng – Giám đốc Marketing Sunhouse đã từng khẳng định: “Chiến lược Marketing của chúng tôi trong thời gian gần đây là làm thế nào để tương tác trực tiếp với khách hàng. Nhiệm vụ quan trọng nhất không phải là bán được trực tiếp bao nhiêu sản phẩm, mà là tương tác trực tiếp với họ để đưa họ tới điểm bán, đồng thời tạo ra trải nghiệm tốt nhất và giúp thương hiệu có được sự gắn kết với họ. Có như vậy, doanh số mới bền vững”.
Để giữ được những khách hàng cũ không hề đơn giản, không chỉ cần tăng sự tương tác mà còn cần phải chăm sóc khách hàng thường xuyên, đồng thời phân tích được hành vi và thói quen của họ.
Mục đích chính của chiến lược tương tác trực tiếp với khách hàng là giúp khách hàng và thương hiệu có thể gắn kết với nhau, hiểu nhau nhiều hơn, chứ không nhằm mục đích bán hàng trực tiếp.
Kết luận
Mong rằng với những phân tích trên, bạn đã hiểu rõ được mô hình kinh doanh cũng như chiến lược Marketing của Sunhouse – thương hiệu được coi như “cánh chim đầu đàn của ngành gia dụng Việt”.
Hy vọng với thành công hơn 20 qua, Sunhouse sẽ tiếp tục mở rộng sứ mệnh và chinh phục thêm những thị trường khó tính hơn nữa.